KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ, TÍNH CHẤP NHẬN VÀ CHI PHÍ CỦA ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG BUPRENORPHINE TẠI BA TỈNH VIỆT NAM, 2019 – 2020


Chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng Methadone (MMT) được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, hiện nay đang điều trị cho khoảng 53.627 bệnh nhân tại 63/63 tỉnh thành trong cả nước. MMT đã đem lại hiệu quả đáng kể không chỉ cái thiện sức khỏe của người bệnh (giảm tỷ lệ nhiễm HIV và các bệnh nhiễm trùng lây qua đường máu khác, cải thiện sức khỏe thể chất), mà còn ở khía cạnh xã hội và kinh tế. Một trong những thách thức lớn nhất của MMT là bệnh nhân tham gia điều trị cần tuân thủ đều đặn hàng ngày đến phòng khám để uống thuốc, do vậy liên quan đến hạn chế tiếp cận dịch vụ, tăng tỷ lệ bỏ trị, đặc biệt ở khu vực các tỉnh miền núi và địa hình khó khăn.

Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng buprenorphine (BUP) đã được thí điểm triển khai từ những năm 2015, một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của Đại học Y Hà Nội và nghiên cứu của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở đó, vợi sự hỗ trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã quyết định triển khai thí điểm điều trị nghiện CDTP bằng BUP tại một số tỉnh miền núi Việt Nam tại quyết định số 5595/QĐ-BYT ngày 19/9/2018. Chính vì thế, đánh giá hiệu quả chương trình điều trị thí điểm đã được xây dựng trong năm 2019 nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách và kế hoạch phù hợp cho việc mở rộng mô hình điều trị BUP trong tương lai. Nghiên cứu này tập trung vào các mục tiêu như sau:

  1.  So sánh kết quả và sự chấp nhận điều trị của hai phương thức điều trị nghiện CDTP tại 3 tỉnh miền núi trong năm 2019
  2. Đánh giá sự thay đổi một số chỉ số hiệu quả điều trị của chương trình điều trị nghiện CDTP bằng thuốc BUP lồng ghép trong cơ sở MMT
  3. Ước tính chi phí của điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng BUP trên quan điểm bệnh nhân và người cung cấp dịch vụ

Nghiên cứu là sự phối hợp giữa trường Đại học Y Hà Nội, Cục phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La. Hiện nay, nghiên cứu đang trong quá trình thu thập thông tin nghiên cứu.