ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ MÔ HÌNH CAN THIỆP SÀNG LỌC, ĐIỀU TRỊ VÀ HỖ TRỢ SAU ĐIỀU TRỊ CHO BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ METHADONE CÓ SỬ DỤNG METHAMPHETAMINE TẠI HÀ NỘI VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(NGHIÊN CỨU STAR-OM)

Mã số tài trợ: NIH 1R01DA050486-01

Sử dụng methamphetamine (viết tắt là meth, còn được biết đến vói tên là ma tuý đá) hiện đang là vấn đề y tế công cộng toàn cầu đáng quan tâm nhất trong vấn đề lạm dụng thuốc kích thích loại amphetamine (ATS) và đứng thứ hai về tác động sau sử dụng cần sa trên toàn thế giới. Tỷ lệ sử dụng meth đặc biệt cao ở những người nhiễm HIV và các nhóm quần thể dễ bị tổn thương như nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ chuyển giới. Việc sử dụng meth dẫn tới giảm hiệu quả dự phòng, điều trị HIV và đẩy nhanh tiến trình bệnh HIV theo nhiều cách khác nhau.

Các bằng chứng trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy nhiều biện pháp đã được chứng minh hiệu quả trong việc giảm sử dụng meth và duy trì người bệnh trong điều trị như Quản lý hành vi tích cực (QLHVTC), Trị liệu nhận thức hành vi (CBT), Mô hình Matrix, Trị liệu nâng cao động lực và nhắn tin SMS. Tuy nhiên, các biện pháp này mới được đánh giá một cách riêng rẽ. Bằng chứng về cách kết hợp các biện pháp khác nhau để mang lại hiệu quả cao với chi phí hợp lý, phù hợp với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình còn thiếu.

Mục tiêu tổng quát: Xác định cách kết hợp can thiệp tối ưu dựa trên đáp ứng cá nhân ở người đang điều trị methadone có sử dụng methamphetamine.

Mục tiêu cụ thể:

  1. Xây dựng và so sánh hiệu quả của 2 can thiệp bước 1 (cường độ cao so với cường độ thấp) và 4 can thiệp thích ứng trong việc cải thiện tình trạng HIV và sử dụng chất ở người điều trị methadone có sử dụng meth tại Hà Nội và TP.HCM.
  2. So sánh chi phí hiệu quả của 2 can thiệp bước 1 và 4 can thiệp thích ứng trong canri thiện tình trạng HIV và sử dụng chất ở người điều trị methadone có sử dụng meth tại Hà Nội và TP.HCM.
  3. Xác định các yếu tố từ hệ thống, từ người cung cấp dịch vụ và bệnh nhân tác động đến việc tiếp nhận và mở rộng mô hình can thiệp STAR-OM tại các cơ sở điều trị methadone.

Thời gian: 6/2020 – 5/2025

Địa điểm: Hà Nội & TP.HCM

Chủ nhiệm đề tài:

  • PGS. TS. Lê Minh Giang, Đại học Y Hà Nội
  • GS. TS. Steve Shoptaw, Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ
  • PGS. TS. Đỗ Văn Dũng: Đại học Y Dược TP.HCM

Hiện nghiên cứu đã hoàn thành giai đoạn thí điểm và sẽ triển khai chính thức từ tháng 6/2021.