Sáng ngày 07/12/2023 Trung tâm Chuyển giao công nghệ quốc tế về Lạm dụng chất tại Việt Nam (V-ITTC), Trường Đại học Y Hà Nội đã tham gia hội nghị đánh giá kết quả triển khai các “Mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú” trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2023 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức.
Mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú được Hà Nội triển khai ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ năm 2021 đến 2023, mô hình đã tổ chức 11 khoá tập huấn cơ bản và nâng cao cho toàn bộ các nhân sự tham gia, bao gồm: Điểm tư vấn, Câu lạc bộ B93 với chủ đề, nội dung kiến thức cơ bản về ma tuý, nghiện ma tuý và điều trị cai nghiện, quy trình và kỹ năng làm việc với người sử dụng ma tuý, gia đình có người sử dụng ma tuý. Ngoài ra, Trường Đại học Y Hà Nội cũng đã triển khai 05 khoá đào tạo bồi dưỡng về công tác hỗ trợ xã hội trong điều trị nghiện ma tuý cho hơn 400 cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội, cán bộ quản lý, triển khai mô hình quản lý sau cai; 07 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 1.000 tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện; 11 lớp tập huấn về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý cho cán bộ các xã, phường, thị trấn.
Hán Đình Hòe – Đại diện Trung tâm Chuyển giao công nghệ quốc tế về Lạm dụng chất tại Việt Nam (V-ITTC) chia sẻ kết quả ban đầu của đánh giá “Tính khả thi và Mức độ chấp nhận đối với Mô hình (Hỗ trợ, Tư vấn Pháp lý và Xã hội, Chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy) kết hợp Phỏng vấn tạo động lực (PVTĐL) và Quản lý trường hợp (QLTH) trực tuyến” triển khai tại 06 xã, phường thuộc quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, huyện Thanh Trì. Kết quả sau 3 tháng triển khai thí điểm cho thấy tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế, an sinh xã hội tại đại phương tăng cùng với tỷ lệ người đi cai tập trung tại cơ sở giảm đáng kể.
- Mô hình Hỗ trợ kết hợp PVTĐL và QLTH trực tuyến tạo quan hệ tin cậy, quan tâm và tôn trọng giữa Cán bộ xã hội (CBXH) và Người sử dụng ma túy (NSDMT)
- Thông tin cung cấp trong nhóm hữu ích, giúp NSDMT tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại địa phương.
- Cải thiện có ý nghĩa mức độ tự tin giảm sử dụng chất và nguồn lực phục hồi ở khách hang đây là điều kiện để giảm và dừng sử dụng ma túy.
Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị để có thể nhân rộng mô hình này ra các quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội như sau:
- Thời gian can thiệp dài hơn với thông tin phù hợp với nhiều nhu cầu của NSDMT. Phát triển bộ tin nhắn Zalo đáp ứng nhu cầu khách hàng
- Nhiều kênh QLTH phù hợp với điều kiện của khách hàng, có thể là nhóm hoặc cá nhân; Trực tuyến hoặc trực tiếp
- Hỗ trợ tập huấn về kiến thức và kỹ năng nhiều hơn cho đội ngũ CBXH
- Có chiến lược hỗ trợ cụ thể hơn cho NSDMT để thực sự đáp ứng được nhu cầu của họ.
Trên cơ sở thí điểm này, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu để xuất mở rộng mô hình ra các quận, huyện của thành phố Hà Nội trong những năm tiếp theo
Bài viết liên quan: