Sáng ngày 15 tháng 12 năm 2022 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Hội nghị có sự tham gia của hơn 150 đại diện từ các Vụ, Cục, Viện chuyên môn thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ; các tổ chức quốc tế; Tổ chức cộng đồng và Ngành Y tế, ngành Công an, ngành Lao động Thương binh và Xã hội của 6 tỉnh, thành phố triển khai đề án thí điểm là Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cao và Nghệ An.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sau 14 năm triển khai điều trị methadone, chương trình đã khẳng định được tính ưu việt như: Góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh; giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình và cộng đồng; phát triển kinh tế của gia đình, giảm chi phí của xã hội để hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương về mặt y tế và pháp lý,…
Tại Hội nghị, PGS.TS Lê Minh Giang – Trưởng nhóm nghiên cứu Trường Đại học Y Hà Nội trình bày báo cáo kết quả đánh giá đề án thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày tại 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, và Hải Phòng và đưa ra một số đề xuất để tăng cường hiệu quả của chương trình điều trị methadone và số bệnh nhân được hưởng lợi từ chương trình. Trong suốt quá trình thực hiện đề án, nhóm nghiên cứu Trường Đại Học Y Hà Nội đã hỗ trợ kĩ thuật và phối hợp với các ban ngành và cơ quan để tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên và thực hiện đánh giá và phân tích dữ liệu.
Sau 2 năm triển khai đến nay, tổng số có hơn 3.000 bệnh nhân được nhận thuốc methadone cấp nhiều ngày. Qua nghiên cứu tổng kết cho thấy chương trình an toàn, khả thi và rất hiệu quả. Người nhà và bệnh nhân đều hài lòng và yên tâm tham gia điều trị lâu dài. Điều trị methadone hiện nay vẫn là giải pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do đây là biện pháp điều trị lâu dài, hàng ngày người bệnh phải đến uống thuốc tại cơ sở y tế nên việc triển khai điều trị methadone vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất là với bệnh nhân, dẫn đến việc tuân thủ điều trị còn hạn chế.
Ở giai đoạn tiếp theo của Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày, nhóm nghiên cứu Trường Đại Học Y Hà Nội sẽ tiếp tục tham gia hỗ trợ kĩ thuật và thu thập, đánh giá, phân tích dữ liệu tại các tỉnh/thành phố triển khai thí điểm khác trên cả nước.
Bài viết liên quan: