Ngày 7/11/2023, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về Lạm dụng chất – HIV, Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu với chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong can thiệp nghiện chất tại Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của kỳ họp Ban cố vấn lần 3 của nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả các mô hình can thiệp sàng lọc, điều trị và hỗ trợ sau điều trị cho bệnh nhân điều trị methadone có sử dụng methamphetamine tại Hà Nội và TPHCM” (dự án nghiên cứu được phê duyệt tại Quyết định số 3970/QĐ – BYT của Bộ Y tế) với mục đích nhằm cập nhật tình hình và kết quả nghiên cứu trên các nhóm sử dụng chất tại Việt Nam, từ đó xác định các ý tưởng nghiên cứu mới và xác định phương án chuyển giao kết quả nghiên cứu sang hướng thực tiễn.
Hội thảo có sự tham gia của: GS.TS.BS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội; TS. Nguyễn Cửu Đức, Phó Vụ trưởng Vụ khoa giáo – Văn xã (Văn phòng Chính phủ); ThS.BS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh và xã hội), Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Hải Phòng cùng các chuyên gia của các tổ chức quốc tế, nhà khoa học trong và ngoài nước về lĩnh vực lạm dụng chất. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia trực tuyến từ các cán bộ y tế làm việc trong các phòng khám methadone, OPC, các Cơ sở cai nghiện ma tuý trên cả nước qua nền tảng Zoom.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS.BS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật, đổi mới các can thiệp được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị HIV và lạm dụng chất. Bên cạnh đó, sự tăng cường hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài nước là nền tảng để đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học có ý nghĩa.
Trình bày tại buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Bích Diệp (Đại học Y Hà Nội) và TS. Nguyễn Thị Minh Tâm (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) đã nêu thực trạng sử dụng chất và các hệ quả đến sức khỏe tại Việt Nam. Đồng thời đưa ra đề xuất tiếp tục mở rộng chương trình cấp phát thuốc methadone nhiều ngày, điều chỉnh các tiêu chí sao cho các người bệnh tiềm năng được tham gia chương trình; lồng ghép các dịch vụ như chẩn đoán, chuyển gửi và điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan như HIV, viêm gan C, PrEP. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực sức khỏe tâm thần qua nghiên cứu của TS. BS. Laurent Michel (Trung tâm Pierre Nicole, Paris), ThS. BS. Lê Sao Mai (ĐH Y Dược Hải Phòng) Can thiệp sức khỏe tâm thần cho người tiêm chích ma túy tại Hải Phòng và GS. TS. Bradley Gaynes, TS. Trần Việt Hà (Đại học North Carolina, Chapel Hill) Can thiệp sức khỏe tâm thần cho người bệnh điều trị methadone nhiễm HIV (VITAL).
GS. Li Li (Đại học Calofornia, Los Angeles, Hoa Kỳ) và TS. Phạm Hồng Thắng (Viện Vệ sinh dịch tễ TW) đã giới thiệu về can thiệp Chuỗi Dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng (Community Care Consortium – CCC) triển khai tại Việt Nam. GS. TS. Gavin Bart (Đại học Minnesota) Nghiên cứu tương tác thuốc methadone và điều trị HIV (NVP/EFV) trên người bệnh nghiện chích ma túy nhiễm HIV bằng phương pháp dược động học quần thể (MAPS).
Từ đó, nhấn mạnh vai trò của bệnh nhân là trung tâm, chăm sóc chuyên biệt dành cho những bệnh nhân đặc biệt. Phát triển các chỉ số tích Sàng lọc, xét nghiệm, điều trị và duy trì chuỗi chăm sóc kéo dài dành cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đổi mới cũng đi kèm những thách thức mà các nghiên cứu sau này cần phải giải quyết.
Cũng tại Hội thảo đã trao 03 suất học bổng (mỗi suất trị giá 20.000.000) cho 3 học viên cao học trong Chương trình học bổng dành cho học viên cao học triển khai nghiên cứu khoa học được hỗ trợ bởi Trung tâm Chuyển giao công nghệ Quốc tế về lạm dụng chất tại Việt Nam (V-ITTC) (Một chương trình của Hiệp hội các trường đại học về giảm cầu ma túy) nhằm giúp đỡ các học viên sau đại học trong triển khai các đề tài nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực lạm dung Chất.
Cuối phiên Hội thảo, các nhà khoa học, bác sĩ và các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ các thuận lợi, khó khăn khi thực hiện các can thiệp và nghiên cứu . Đồng thời trao đổi, thảo luận về việc kết nối điều trị, nâng cao năng lực cơ sở và chuyên môn hóa cho các cán bộ y tế trong lĩnh vực điều trị lạm dụng chất nhằm thực hiện các nghiên cứu, can thiệp trong thời gian tới tại Việt Nam.
Bài viết liên quan: