“Chương trình Sức khỏe nam sinh là sáng kiến nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về Lạm dụng chất – HIV, Trường Đại học Y Hà Nội (CREATA-H) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) nhằm thúc đẩy sử dụng các dịch vụ dự phòng HIV tại Phòng khám SHP, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với mục tiêu hướng tới nâng cao kiến thức tổng quan về giới, sức khỏe tình dục và tầm quan trọng của an toàn tình dục; trang bị các kiến thức liên quan đến sức khỏe tình dục, các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) bao gồm HIV, kỹ năng làm việc với cộng đồng và tiếp cận người có nguy cơ, kĩ năng chuyển gửi điều trị cho nhóm nam sinh trên địa bàn Hà Nội.”
1. Đơn vị tổ chức và hợp tác
“Sức khỏe nam sinh” được điều phối bởi Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Lạm dụng chất – HIV Trường Đại Học Y Hà Nội với sự hợp tác triển khai của Doanh nghiệp Xã hội WECARE và Khoa Viết văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Chương trình nhằm bồi dưỡng và hỗ trợ nhóm sinh viên nòng cốt thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức sức khỏe cho nhóm nam sinh tại Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội và mở rộng ra các trường đại học khác trên địa bàn.
Một số hình ảnh tại Lễ ra mắt chương trình Sức khỏe Nam sinh
2. Mục tiêu và nội dung
Chương trình Sức khỏe nam sinh tập trung cung cấp kiến thức về các chủ đề như: Nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến giới, đa dạng giới và xu hướng tính dục; sức khỏe tình dục và tầm quan trọng của an toàn tình dục, dự phòng HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs); trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng phòng tránh HIV và các bệnh STIs; cách làm việc với cộng đồng, tiếp cận các nhóm có nguy cơ, và hỗ trợ chuyển gửi điều trị khi cần thiết.
Nhóm sinh viên nòng cốt từ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội được tham gia các buổi tập huấn để trang bị kiến thức và kỹ năng truyền thông. Sau đó, họ sẽ trở thành lực lượng tiên phong lan tỏa thông điệp về sức khỏe và an toàn tình dục trong cộng đồng sinh viên.
Chương trình sử dụng các hình thức truyền thông sáng tạo như video ngắn lồng ghép thông điệp, cuộc thi ảnh và các hoạt động nhóm trong cộng đồng trường học, bên cạnh tăng cường sử dụng và lan tỏa thông điệp trên các nền tảng mạng xã hội mà giới trẻ quan tâm.
3. Kết quả và ý nghĩa của chương trình
Trải qua 3 tháng triển khai hoạt động, chương trình đã tổ chức 4 buổi tập huấn về kiến thức và kĩ năng cho nhóm Biệt đội Sức khỏe Nam sinh về chủ đề HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giới và nhạy cảm giới, kĩ năng tiếp cận và hoạt động cộng đồng, kĩ năng tổ chức sản xuất các sản phẩm và hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe.
Ông Đậu Sỹ Nguyên, Điều phối viên chương trình, cho biết: “Chương trình đã tuyển chọn được 7 sinh viên ưu tú từ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và xây dựng thành nhóm Biệt đội Sức khỏe Nam sinh. Các thành viên này được tham gia tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng triển khai các hoạt động truyền thông, lan tỏa thông điệp về giới, đa dạng tính dục, sức khỏe và an toàn tình dục. Sau đó, chính các bạn đã trở thành cầu nối mang các kiến thức và kĩ năng học hỏi được chia sẻ với cộng đồng của mình.”
Ông Đậu Sỹ Nguyên, Điều phối viên chương trình Sức khỏe nam sinh
Các thành viên Biệt đội Sức khỏe nam sinh sau khi được đào tạo, đã lên kế hoạch, tổ chức và điều phối thành công 4 buổi chia sẻ kiến thức về sức khỏe bằng nhiều hình thức sáng tạo, thú vị, thu hút sự tham gia của hơn 400 bạn sinh viên trẻ đến từ các trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội như Đại học Ngoại thương, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Bách khoa, Đại học Văn Hóa Hà Nội…
Biệt đội Sức khỏe nam sinh gồm 7 thành viên
Trong khuôn khổ chương trình, cuộc thi ảnh sáng tạo Photovoice: “PrEPared for life” cũng đã được tổ chức thành công khi nhận được hơn 50 tác phẩm tham gia, trong đó có nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa, mang tới các thông điệp tích cực về sức khỏe của các bạn trẻ trên địa bàn Hà Nội.
Một số hình ảnh tại Triển lãm ảnh Photovoice: “PrEPared for life”
Các hoạt động truyền thông trực tuyến của chương trình Sức khỏe nam sinh đã tiếp cận được hơn 6000 người dùng mạng xã hội, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ từ các sản phẩm truyền thông hiệu quả, tích cực được xây dựng từ chính đội ngũ các bạn sinh viên tham gia chương trình.
Talkshow trực tuyến: On PrEP – Hành trình từ hiệu ứng đến hiệu quả
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã tiếp cận, cung cấp thông tin và chuyển gửi thành công 11 khách hàng là nam sinh trẻ trên địa bàn Hà Nội đăng kí sử dụng PrEP và các dịch vụ sức khỏe khác tại Phòng khám SHP, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đây là một con số ấn tượng, minh chứng cho hiệu quả của chương trình trong việc góp phần nâng cao kiến thức và tiếp cận đến các biện pháp dự phòng và an toàn tình dục cho các bạn sinh viên.
ThS Phạm Văn Tám, Phó Trưởng phòng CTCT&QLSV ĐH Văn Hóa Hà Nội
Thạc sĩ Phạm Văn Tám, Phó Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ rằng: “Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội rất ủng hộ các chương trình nâng cao sức khỏe cho sinh viên, điều này thể hiện rõ trong chương trình đào tạo và các hoạt động nâng cao sức khỏe toàn diện cho sinh viên nhà trường. Chúng tôi tin tưởng rằng các hoạt động bổ ích và có chất lượng như Sức khỏe nam sinh sẽ mang đến nhiều giá trị về mặt sức khỏe thể chất cũng như tinh thần cho các bạn sinh viên”.
TS Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn-Báo chí, ĐH Văn Hóa Hà Nội
Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn-Báo chí, nhấn mạnh: “Truyền thông nâng cao sức khỏe cho sinh viên hiện nay là rất cần thiết, đặc biệt khi nhóm sinh viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng để bảo vệ mình. Khoa Viết văn-Báo chí rất vinh dự được CREATA-H lựa chọn là đơn vị hợp tác triển khai chương trình cùng với DNXH WECARE và Phòng khám Sống hạnh phúc, nhằm mang lại những giá trị tích cực và nâng cao sức khỏe cho các bạn sinh viên trong khoa Viết văn-Báo chí nói riêng và Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội nói chung”.
Sinh viên Nguyễn Duy Độ, thành viên Biệt đội Sức khỏe nam sinh
Bạn Nguyễn Duy Độ, thành viên Biệt đội Sức khỏe nam sinh chia sẻ: “Trước khi tham gia chương trình này, bản thân em chưa có nhiều kiến thức về an toàn tình dục, đặc biệt là các biện pháp dự phòng. Sau khi được tham gia các hoạt động bổ ích của chương trình, em thấy bản thân mình có thêm nhiều kiến thức để giúp bản thân có thể an toàn trước các nguy cơ. Bên cạnh đó em cũng thấy mình tự tin hơn khi đứng trước đám đông, chia sẻ những suy nghĩ của mình, những điều mà mình học được trong chương trình đến với bạn bè và thầy cô”.
Bài viết liên quan: